Site banner

Bến Tre tập trung xây dựng Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020

Ngày 23 tháng 7 năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Kế hoạch số 1697/KH-SNN về việc triển khai xây dựng Đề án Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018-2020.

Mỗi xã một sản phẩm (OCOP: One commune, one product) là mô hình được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm” của Nhật Bản (OVOP: One village, one product), phong trào này được triển khai đầu tiên ở Nhật bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước và đã mang lại nhiều lợi ích người dân. Đến nay đã có hơn 40 nước học theo và đã triển khai rất thành công góp phần mang lại đời sống ấm no cho người dân vùng nông thôn. Trọng tâm của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương (cấp xã, huyện) do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Chương trình không chỉ có ý nghĩa đơn thuần về phát triển sản xuất, mà còn có ý nghĩa giải quyết những vấn đề quan trọng của nông thôn, như tạo thêm việc làm, giúp nông dân giảm nghèo bền vững. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hoá, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học và công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.

Việc xây dựng và triển khai Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm ở Bến Tre có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Một là, khi triển khai thành công nó sẽ giúp nâng cao thu nhập, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất” trong xây dựng nông thôn mới; Hai là, làm thay đổi tập quán sản xuất, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần cơ cấu kinh tế nông thôn; Ba là, góp phần làm giảm việc di dân từ nông thôn ra thành phố; Bốn là, thông qua chương trình góp phần đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, đây chính là yếu tố thúc đẩy sự phát triển một cách bền vững kinh tế nông thôn của tỉnh; Năm là, tạo ra các sản phẩm dịch vụ có chất lượng phục vụ phát triển du lịch của tỉnh Bến Tre.

Theo Kế hoạch, trong năm 2018 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hoàn chỉnh Đề án đúng theo Quyết định số 1186/QĐ-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Đề cương Đề án Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018-2020.

Đồng thời, để đánh giá lợi thế cạnh tranh, tiềm năng thị trường của các sản phẩm nông sản và lựa chọn sản phẩm thí điểm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các đơn vị tổng hợp và phân tích các kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến phát triển thị trường các sản phẩm truyền thống để xác định các sản phẩm tiềm năng thế mạnh của tỉnh; Rà soát tài liệu, thu thập số liệu thứ cấp trên địa bàn tỉnh Bến Tre về hiện trạng sản xuất nông nghiệp, làng nghề nông thôn, phát triển thương mại nông sản, du lịch, cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp, hợp tác xã để tổng hợp, phân loại, phân tích số liệu, thông tin thu thập được và hoàn thiện báo cáo chia theo các huyện và thành phố; Điều tra, khảo sát, đánh giá tiềm năng thị trường và lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm chủ lực bằng các hình thức điều tra như phỏng vấn chuyên gia, phỏng vấn cán bộ địa phương, phỏng vấn chủ thể thực hiện; Phân tích dữ liệu, xây dựng báo cáo đánh giá ưu thế và khả năng cạnh tranh và đề xuất giải pháp hỗ trợ phát triển một số sản phẩm chủ lực bằng cách sử dụng các phương pháp phân tích như: phân tích SWOT (điểm mạnh (Strengths), điểm yếu (Weaknesses), cơ hội (Opportunities) và nguy cơ (Threats)), phân tích cây vấn đề, phân tích chính sách, phân tích chuỗi giá trị,…đồng thời tổ chức Hội nghị trình bày kết quả nghiên cứu về năng lực cạnh tranh và tiềm năng phát triển của các sản phẩm chủ lực của tỉnh Bến Tre dự kiến xây dựng thành sản phẩm Chương trình trên cơ sở tham vấn, thu thập ý kiến đóng góp của chuyên gia, doanh nghiệp, người sản xuất và của các cơ quan chuyên môn khác; Mặc khác, để thực hiện Chương trình thực sự hiệu quả cần tổ chức các cuộc thăm quan học tập kinh nghiệm từ nước đã thành công như Thái Lan và tỉnh Quãng Ninh là tỉnh đã đi đầu trong cả nước và gặt hái nhiều thành công từ Chương trình.

Về công tác xây dựng Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Bến Tre giai đoạn 2018-2020 cần tập trung rà soát các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án phát triển nông thôn của Bến Tre trên cơ sở kinh nghiệm trong nước và quốc tế. Từ đó xây dựng dự thảo Đề án Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020.

Theo Kế hoạch, cuối năm 2018 tỉnh sẽ phê duyệt và triển khai khởi động Đề án, ở nội dung này tập trung tuyên truyền sâu rộng đến các cấp các ngành, nhất là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh biết, hiểu và đăng ký tham gia Chương trình

 

Duy Thanh

Cùng chuyên mục