Site banner

Ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020

Mục đích Kế hoạch tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là Chương trình OCOP), đảm bảo đúng tiến độ thời gian và hiệu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân. Trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu của Chương trình và thực tế tại địa phương nhằm xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và các giải pháp trọng tâm để triển khai thực hiện Chương trình OCOP.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình cần đạt một số mục tiêu cụ thể sau: Phấn đấu tiêu chuẩn hoá ít nhất 50% sản phẩm hiện có của các địa phương (khoảng 2.400 sản phẩm), triển khai phát triển các làng (bản) văn hoá du lịch. Tập trung vào đa dạng hoá, chế biến sâu các sản phẩm theo chuỗi giá trị, hoàn thiện tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa hộ sản xuất với tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; Củng cố, kiện toàn 100% tổ chức kinh tế (3.000 doanh nghiệp, hợp tác xã) và phát triển ít nhất 500 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP; Đào tạo, tập huấn 100% cán bộ cấp Trung ương, tỉnh, huyện trực tiếp triển khai Chương trình OCOP về nghiệp vụ quản lý, điều hành chương trình. Bên cạnh đó, đào tạo, tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh cho 100% lãnh đạo doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất kinh doanh tham gia Chương trình OCOP; Ban hành Bộ tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia; Xây dựng, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu Chương trình OCOP nhằm hỗ trợ tích cực công tác quản lý nhà nước và kết nối thông tin, xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP toàn quốc.

Theo đó, có 11 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai từ nay đến 2020, bao gồm:

Nhiệm vụ thứ nhất là công tác triển khai thực hiện Chu trình OCOP theo 6 bước theo Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ phải đảm bảo nguyên tắc là Nhà nước hỗ trợ, hướng dẫn - Các cơ sở sản xuất đề xuất trực tiếp theo nhu cầu và khả năng thực tế, bên cạnh ban hành tài liệu hướng dẫn để các địa phương triển khai thực hiện Chu trình OCOP một cách rộng rãi, khách quan. Tổ chức các cuộc thi đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh và cấp quốc gia và công bố kết quả xếp hạng sản phẩm vào dịp Hội chợ, triển lãm OCOP cấp tỉnh và cấp quốc gia.

Nhiệm vụ thứ hai là tập trung chuẩn hóa và phát triển sản phẩm OCOP dựa trên cơ sở rà soát, đánh giá tiêu chuẩn chất lượng các sản phẩm hiện có theo 6 nhóm sản phẩm, định hướng các tổ chức kinh tế nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chí OCOP. Đồng thời khuyến khích, thu hút, hỗ trợ các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm mới và đa dạng hóa sản phẩm.

Nhiệm vụ thứ ba là xây dựng, ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, xếp hạng sản phẩmthống nhất trong phạm vi cả nước đảm bảo các quy định về quản lý chất lượng hàng hóa hiện hành, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong Chương trình OCOP.

Nhiệm vụ thứ tư là đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là phải xây dựng và ban hành Bộ Tài liệu đào tạo của Chương trình OCOP  để triển khai đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp; lãnh đạo tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP.Tổ chức thực hành phát triển ý tưởng sản phẩm, quản lý sản xuất, xúc tiến thương mại cho đội ngũ cán bộ quản lý các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất cũng như các đối tác OCOP tư vấn khác, đảm bảo tính thực tiễn, hiệu quả. Trong quá trình triển khai công tác đào tạo, tập huấn, chú trọng kết hợp, lồng ghép với các chương trình đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn để đa dạng hóa nội dung và nguồn lực.

Nhiệm vụ thứ năm là ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất - kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ OCOP bằng cách xây dựng và triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển, hoàn thiện, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP. Ứng dụng khoa học quản lý trong xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sản xuất sản phẩm OCOP tại cộng đồng.

Nhiệm vụ thứ sáu là triển khai các dự án thành phần như Dự án cấp quốc gia (Dự án phát triển lô gô, thương hiệu quốc gia sản phẩm Chương trình OCOP, Dự án Làng/bản Văn hóa Du lịch,…) và dự án cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên điều kiện thực tế tại địa phương.

Nhiệm vụ thứ bảy là xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP cần chú trọng phát triển hình thức thương mại điện tử trong quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP cần tổ chức thường niên các kỳ xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm sản phẩm OCOP cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Nhiệm vụ thứ tám là cơ chế, chính sách và huy động nguồn lực tài chính thực hiện Chương trình OCOP nên áp dụng thực hiện các chính sách hiện hành của nhà nước về phát triển ngành nghề, phát triển nông nghiệp, nông thôn trong tham gia triển khai Chương trình OCOP, huy động nguồn lực từ cộng đồng, tín dụng…

Nhiệm vụ thứ chín là củng cố, kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành thực hiện Chương trình OCOP trên nguyên tắc sử dụng bộ máy hiện có, không làm phát sinh bộ máy, không làm tăng biên chế, bộ máy chỉ đạo, điều hành Chương trình OCOP các cấp được kiện toàn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo hướng lồng ghép nhiệm vụ trong Ban Chỉ đạo và Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp, có bộ phận chuyên trách triển khai Chương trình OCOP.

Nhiệm vụ thứ mườilà công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP phải thực hiện tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngoài ra cần đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền dưới dạng hội nghị chuyên đề; hội thảo, diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các báo, đài, các trang thông tin điện tử ở các cấp về Chương trình OCOP.

Nhiệm vụ cuối cùng là hợp tác quốc tế cần phải thường xuyên tổ chức các chuyến tham quan, giao lưu trong và ngoài nước nhằm học hỏi và đưa sản phẩm OCOP xuất khẩu và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Duy Thanh

Cùng chuyên mục